Nội Dung
Bài viết này Giaohangtietkiem.online xin được chia sẻ đến mọi người các khái niệm, giải thích và các kiến thức cơ bản nhất liên quan đến logistics gồm: Logistics là gì?; tại sao bây giờ lại phải dùng từ “logistics” thay cho “giao nhận”, “tiếp vận”; định nghĩa và phân loại dịch vụ logistics; vai trò của logistics đối với nền kinh tế; phương châm của logistics, đánh giá hiệu quả của logistics dựa trên những tiêu chí nào?
1. Logistics là gì?
Logistics là tập hợp các hoạt động nhằm đảm bảo cung cấp các thành phần cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa một cách kịp thời, hiệu quả.
Đối tượng của logistics trước đây chỉ là hàng hóa, sản phẩm hữu hình. Tuy nhiên, hiện nay người ta cũng sử dụng logistics cho cả những đối tượng như dịch vụ, thông tin, năng lượng…
Về phía người quản lý, logistics luôn gắn với việc phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm kiểm soát hiệu quả về thời gian và chi phí trong suốt quá trình hàng hóa lưu thông.
2. Trước đây đã có nhiều từ khác nhau để gọi như kho vận, tiếp vận, lưu vận, giao nhận,… tại sao bây giờ lại phải dùng từ logistics?
Hoạt động logistics theo sát suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng một sản phẩm. Quá trình đó có thể bao gồm những hoạt động sau:
• Vận chuyển
• Lưu kho
• Sơ chế, bảo quản
• Phân chia, bao gói sản phẩm
• Thực hiện các thủ tục để sản phẩm có thể lưu chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác
Những từ như kho vận, tiếp vận, lưu vận, giao nhận, … chỉ phản ánh được một phần trong quá trình nói trên, không thể hiện được rõ logistics là quá trình xuyên suốt, tích hợp của nhiều công đoạn. Vì vậy, việc sử dụng từ logistics là hợp lý hơn cả. Luật Thương mại 2005 đã chính thức sử dụng logistics trong văn bản pháp luật của Nhà nước.
Trong tiếng Việt, cũng đã có những trường hợp tương tự, sử dụng từ nguyên nghĩa tiếng nước ngoài sẽ đem lại ý nghĩa rõ hơn là dịch sang tiếng Việt, ví dụ marketing, PR.
3. Luật Thương mại định nghĩa thế nào về logistics?
Điều 233 Luật Thương mại định nghĩa: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Như vậy, nội dung Điều 233 nói trên vừa định nghĩa thông qua việc liệt kê một số hoạt động điển hình của logistics, vừa nhấn mạnh vào tính chất dịch vụ của hoạt động này khi một doanh nghiệp đứng ra nhận làm các công việc đó để hưởng thù lao từ doanh nghiệp có hàng hóa.
Định nghĩa như trên là phù hợp trong bối cảnh Luật Thương mại khi Luật này cũng quy định logistics tương tự với các dịch vụ khác như môi giới, nhượng quyền, giám định, đại lý, gia công.
4. Luật pháp Việt Nam phân loại dịch vụ logistics thành những phân ngành nào?
Trước đây, theo Nghị định 140/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 5/9/2007, dịch vụ logistics được phân loại như sau:
1. Các dịch vụ logistics chủ yếu, bao gồm:
• Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container;
• Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị;
• Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa;
• Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.
2. Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, bao gồm:
• Dịch vụ vận tải hàng hải;
• Dịch vụ vận tải thuỷ nội địa;
• Dịch vụ vận tải hàng không;
• Dịch vụ vận tải đường sắt;
• Dịch vụ vận tải đường bộ.
• Dịch vụ vận tải đường ống.
3. Các dịch vụ logistics liên quan khác, bao gồm:
• Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật;
• Dịch vụ bưu chính;
• Dịch vụ thương mại bán buôn;
• Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng;
• Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Hiện nay, theo Nghị định 163/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2017, dịch vụ logistics được phân loại như sau:
1. Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.
2. Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.
3. Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.
4. Dịch vụ chuyển phát.
5. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
6. Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).
7. Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
8. Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.
9. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.
10. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.
11. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.
12. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.
13. Dịch vụ vận tải hàng không.
14. Dịch vụ vận tải đa phương thức.
15. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
16. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Ngoài các dịch vụ trên, nếu có các dịch vụ khác mà thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại thì cũng được coi là dịch vụ logistics.
5. Ngoài cách trên, có thể phân loại các hoạt động logistics theo những tiêu chí nào nữa?
Về phạm vi, logistics có thể chỉ bao gồm các hoạt động trong nội bộ một doanh nghiệp, hoặc các hoạt động giữa doanh nghiệp với các chủ thể khác (doanh nghiệp đối tác, khách hàng cá nhân).
Có hoạt động logistics chỉ diễn ra trong một nhà máy, một khu công nghiệp hay từ tỉnh này sang tỉnh khác, có hoạt động mang tính quốc tế, khởi đầu từ một châu lục này và kết thúc ở một châu lục khác.
Về loại hình, có doanh nghiệp tự cung (doanh nghiệp tự cung cấp dịch vụ logistics cho chính mình), hoặc doanh nghiệp dịch vụ (doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ logistics cho doanh nghiệp khác).
Cách phân loại tổng quát về Logistics
6. Có gì khác nhau giữa hậu cần trong quân đội với hoạt động kinh doanh logistics ngoài xã hội?
Hoạt động hậu cần trong quân đội cung cấp thức ăn, quần áo, đồ dùng nhằm bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội, mặt khác cũng cung cấp phương tiện, trang bị, thiết bị, khí tài, vũ khí, đạn dược để đảm bảo khả năng chiến đấu của bộ đội.
Trong lịch sử, chiến dịch giải phóng Thăng Long một cách thần tốc của quân Tây Sơn là một minh họa điển hình của logistics. Bằng cách bố trí từng tổ ba người, trong đó hai người thay nhau cáng một người, vừa hành quân vừa nấu cơm, đội quân Tây Sơn đã hành quân thần tốc, tạo nên sức mạnh bất ngờ đánh tan quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
Hoạt động kinh doanh logistics ngoài xã hội nhằm cung cấp nguyên liệu, vật tư, thành phẩm đến các doanh nghiệp khác hoặc đến người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của các chủ thể này.
Điểm khác nhau ở đây là hoạt động hậu cần trong quân đội mang tính mệnh lệnh, thực hiện theo chỉ đạo chặt chẽ của một cơ quan chỉ huy, chủng loại hàng hóa không đa dạng nhưng có số lượng lớn, và không nhằm mục đích lợi nhuận.
Kinh doanh logistics có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp dựa trên quan hệ dân sự thuận mua vừa bán, chủng loại hàng hóa rất phong phú với số lượng từ rất nhỏ đến rất lớn, kết quả của những hoạt động đó là nhằm đem lại lợi nhuận cho các bên tham gia.
Nhìn rộng ra, không chỉ trong quân sự hay kinh doanh mà bất cứ công việc nào đều đòi hỏi sự tính toán, cân nhắc để sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách tối ưu, đem lại kết quả tốt nhất với chi phí thấp nhất. Đó cũng chính là vai trò của logistics.
Ví dụ, để tổ chức một hội nghị, bên cạnh việc đề ra mục tiêu cần giải quyết, chương trình nghị sự, thành phần tham dự thì các việc như lựa chọn địa điểm, chuẩn bị trang thiết bị âm thanh, trình chiếu, gửi giấy mời, đôn đốc xác nhận, đón tiếp đại biểu, kiểm soát thời gian trình bày… chính là một hình thức logistics.
7. Vai trò của logistics đối với nền kinh tế nói chung?
Nếu nền kinh tế là một bộ máy thì có thể ví logistics như dầu bôi trơn cho bộ máy đó vận hành được thông suốt, đạt được công suất lớn nhất với chi phí nhiên liệu ít nhất và độ bền bỉ cao nhất.
Nếu không có vai trò của logistics, nền kinh tế sẽ hoạt động giảm hiệu quả đáng kể, thậm chí trong một số ngành, một số nơi sẽ bị rối loạn hoặc ngừng hoạt động.
Ở nền kinh tế tiểu thủ công nghiệp, làm ăn nhỏ lẻ thì logistics không có tác dụng nhiều. Nền kinh tế có mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng cao thì vai trò của logistics càng lớn.
Ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hong Kong, Hà Lan, logistics là một động lực chính của nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào GDP.
8. Tại sao lại nói logistics có vai trò quan trọng trong nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp?
Sức cạnh tranh của doanh nghiệp là phạm trù tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố bên ngoài như thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh, vai trò hỗ trợ của Nhà nước… và những yếu tố bên trong, nội tại của doanh nghiệp.
Những yếu tố nội tại thường được nói đến là chất lượng nguồn nhân lực, chi phí lao động, chất lượng sản phẩm. Trong khi chi phí lao động chỉ ngày càng tăng chứ không giảm, chất lượng sản phẩm muốn nâng cao phải đòi hỏi nhiều tiền để đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực cần có thời gian để nâng lên thì một phương thức khác là thông qua việc tổ chức lại quy trình làm việc, sản xuất, các giảm các chi phí không cần thiết, hay nói cách khác là vận dụng logistics trong hoạt động của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, cạnh tranh giữa các quốc gia và doanh nghiệp ngày càng gay gắt do việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng như sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường, logistics chính là một công cụ giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế riêng
của mình để tăng sức cạnh tranh, vượt qua đối thủ bằng việc cắt giảm chi phí và thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng.
9. Phương châm của logistics là gì?
Phương châm của logistics hiện đại là chi phí, tốc độ, tin cậy. Tức là một hàng hóa đi từ doanh nghiệp đến đối tác với chi phí thấp nhất, tốc độ nhanh nhất, đồng thời phải đảm bảo hàng hóa không bị thất lạc, mất mát, hư hỏng.
John J. Coyle, tác giả một loạt quyển sách về kinh doanh logistics, tóm tắt phương châm của logistics trong 7 chữ Đúng (nguyên văn tiếng Anh là 7 chữ Right) như sau: Logistics là đem đúng sản phẩm, đến đúng khách hàng, với đúng số lượng, ở đúng trạng thái, đến đúng địa điểm, vào đúng thời gian, và với
đúng chi phí.
10. Có thể dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá hiệu quả của hoạt động logistics?
Đối với quốc gia, hiệu quả của hoạt động logistics có thể đánh giá thông qua các tiêu chí:
• Chi phí logistics so sánh với GDP hoặc kim ngạch xuất nhập khẩu (tỷ lệ càng nhỏ càng tốt);
• Doanh thu của dịch vụ logistics so sánh với GDP (tỷ lệ càng cao càng thể hiện vai trò và tầm quan trọng của dịch vụ logistics);
• Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics (tốc độ cao cho thấy dịch vụ logistics phát triển nhanh);
• Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài (tỷ lệ càng cao thể hiện mức độ chuyên nghiệp hóa của dịch vụ logistics càng tốt);
• Thời gian trung bình xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa (thời gian càng ngắn càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp).
Đối với doanh nghiệp, hiệu quả của hoạt động logistics có thể đánh giá thông qua các tiêu chí:
• Thời gian tiếp nhận và hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (thời gian càng ngắn thì hiệu quả càng cao);
• Chi phí trung bình để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (chi phí càng thấp thì hiệu quả càng cao);
• Số lượng người tham gia để hoàn thành một đơn hàng dịch vụ (số người càng ít thì hiệu quả càng cao);
• Mức độ hài lòng của khách hàng (thể hiện chất lượng và độ tin cậy của dịch vụ).
Nguồn: Hỏi đáp về Logistics (Trần Thanh Hải)
Xem thêm:
Dịch vụ vận chuyển hàng đi Bỉ an toàn, uy tín, chất lượng